top of page
Tìm kiếm

Tác dụng của ăn chay trong phòng và điều trị bệnh

  • Ảnh của tác giả: Duong Hoang
    Duong Hoang
  • 13 thg 10, 2021
  • 6 phút đọc

Đã cập nhật: 16 thg 10, 2021

Quan điểm của Viện Hàn lâm về Dinh dưỡng và Ăn uống: Với chế độ ăn chay

Viện Hàn lâm về Dinh dưỡng và chế độ ăn của Mỹ cho rằng một chế độ ăn chay phù hợp sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và điều trị một số bệnh. Những chế độ ăn chay này thích hợp cho tất cả các giai đoạn của cuộc sống, bao gồm mang thai, cho con bú, trẻ sơ sinh, thời thơ ấu, thanh thiếu niên, người trưởng thành và các vận động viên. Chế độ ăn dựa trên thực vật sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và ít gây tổn hại đến môi trường hơn nhiều so với các chế độ ăn nhiều thịt. Người ăn chay và ăn thuần chay có it nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm bệnh tim, tiểu đường loại 2, huyết áp cao, một số loại ung thư và béo phì. Ăn ít chất béo bão hòa và ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, đậu nành, và các loại hạt (tất cả đều giàu chất xơ và hóa chất thực vật) là đặc điểm của chế độ ăn chay và thuần chay giúp tạo ra lượng lipoprotein cholesterol thấp và giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Những yếu tố này góp phần giảm bệnh mãn tính. Người ăn thuần chay cần bổ sung thêm vitamin B-12, ví dụ như từ thực phẩm đã được làm giàu chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng.

Phần II: Tác dụng của ăn chay trong phòng và điều trị bệnh




Thừa cân và béo phì

Một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh liên quan đến chức năng tim mạch tốt, độ nhạy insulin, cũng như giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Chế độ ăn dựa trên thực vật liên quan đến chỉ số khối cơ thể thấp hơn (BMI; được tính bằng kg/m^2). BMI trung bình cao nhất ở những người ăn thịt và thấp nhất trong những người ăn chay (28.8 so với 23.6 ở một nghiên cứu và 24.4 so với 22.5 ở một nghiên cứu khác). Một nghiên cứu từ Thụy Điển nhận thấy rằng tỉ lệ béo phì là 40% ở động vật ăn tạp và 25% ở động vật ăn chay. Các nghiên cứu con cho thấy ăn chay có hiệu quả tốt hơn ăn tạp đối với việc điều trị thừa cân.


Các bệnh tim mạch, bao gồm mỡ máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ và cao huyết áp

Các chế độ ăn chay cải thiện một số yếu tố gia tăng nguy cơ bệnh tim như béo bụng, huyết áp, lượng mỡ máu và đường huyết, cũng như làm giảm các dấu hiệu viêm nhiễm. Do đó, những người ăn chay có ít nguy cơ mắc bệnh tim hơn. Chế độ ăn thuần chay dường như có lợi nhất trong việc giảm nguy cơ bệnh tim. Những người ăn thuần chay ăn nhiều chất xơ nhất, ít chất béo bão hòa nhất, có trọng lượng cơ thể khỏe mạnh nhất và mức cholesterol tốt nhất so với người ăn thịt và ăn chay khác. Các nghiên cứu cho thấy ăn chay giúp giảm khoảng từ 10% đến 19% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và giảm 32% rủi ro nhập viện hoặc tử vong vì các bệnh này. Những người ăn chay có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn do thường xuyên hấp thụ nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu và hạt. Các chế độ ăn chay ít béo và các yếu tố lối sống khác như không hút thuốc và giảm cân, đã được chứng minh là có thể đảo ngược quá trình xơ vữa động mạch. Tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp ở những người ăn chay thấp hơn ở người ăn mặn, và thấp nhất ở người ăn thuần chay.


Tiểu đường

Bệnh tiểu đường phổ biến gấp đôi ở những người ăn thịt so với những người ăn chay. Trong số những người chưa mắc bệnh, tỷ lệ phát sinh bệnh tiểu đường ở người ăn chay giảm 62% với người ăn thuần chay và 38% với người ăn chay có trứng sữa, sau khi loại bỏ BMI và các yếu tố gây nhiễu khác. Trong 2 thập kỷ qua, các nghiên cứu và các thử nghiệm lâm sàng đã cung cấp bằng chứng rằng chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu, hạt, và ít ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến, đồ uống có đường, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và cải thiện đường huyết, mỡ máu ở bệnh nhân tiểu đường. Một số thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường là: ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt đậu, trái cây và rau, đặc biệt là rau xanh, các loại hạt, đặc biệt là hạt óc chó. Ngược lại, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trong 24 tuần thử nghiệm có kiểm soát trên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, những người ăn chay có cải thiện lớn hơn về độ nhạy cảm insulin, giảm mỡ nội tạng, và giảm các dấu hiệu viêm nhiễm. Theo một phân tích tổng hợp của sáu thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, ăn chay có liên quan đến việc cải thiện kiểm soát đường huyết ở những người mắc tiểu đường tuýp 2. Ăn chay với những thực phẩm thực vật giàu chất dinh dưỡng và giàu chất xơ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và là công cụ hiệu quả trong việc điều trị bệnh này.


Ung thư

Chế độ ăn chay, đặc biệt là thuần chay, được cho là làm giảm nguy cơ ung thư và đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa. Chế độ ăn thuần chay còn có thể giúp giảm 35% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một phân tích tổng hợp của bảy nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn chay có tỷ lệ mắc ung thư ít hơn 18% so với người không ăn chay. Hấp thụ thường xuyên các hóa chất thực vật có trong trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh ung thư. Người ăn chay thường hấp thụ chất xơ nhiều hơn so với các chế độ ăn khác. Nghiên cứu EPIC ở 10 nước Châu Âu chỉ ra rằng ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm 25% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Mặt khác, hai nghiên cứu ở Mỹ cho thấy một mối liên hệ giữa thịt đỏ đã chế biến và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tiêu thụ thịt đã qua chế biến cũng được cho là làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư.


Loãng xương

Các nghiên cứu về xương cho thấy người ăn chay có mật độ xương tương tự hoặc hơi ít hơn so với người ăn thịt, trong đó người ăn thuần chay nằm ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, sự khác biệt là tương đối nhỏ và dường như không có ý nghĩa lâm sàng, miễn là các chất dinh dưỡng liên quan được ăn đầy đủ. Chế độ ăn chay liên quan đến một số yếu tố thúc đẩy sức khỏe xương, bao gồm một lượng lớn rau xanh và trái cây; một nguồn dồi dào magiê, kali, vitamin K, vitamin C; và một lượng axit tương đối thấp. Ngược lại, ăn chay thường mang lại ít canxi, vitamin D, vitamin B-12 và đạm. EPIC-Oxford đã báo cáo nhóm người ăn thuần chay có nhiều hơn 30% nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, nguy cơ này không tăng thêm ở những người ăn chay với trứng sữa và người ăn thuần chay có lượng canxi hấp thụ từ 525 mg/ngày trở lên. Việc ăn các loại đậu và thịt thực vật thường xuyên giúp giảm nguy cơ gãy xương hông nhiều hơn so với ăn thịt. Thiếu vitamin D và B-12 có liên quan đến mật độ xương thấp, tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương. Để duy trì sức khỏe xương, người ăn chay và thuần chay nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, và nạp đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, vitamin D, vitamin B-12 và đạm.



Nguồn tham khảo:

Trung Tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ - Thư viện Y học Quốc gia

Cre: Thông tin được tổng hợp và lược dịch bởi Chang Chay

 
 
 

Comments


bottom of page